Nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19-4-1941 tại Hà Hội, quê quán thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một dòng tộc trí thức, nghệ sĩ yêu nước chống thực dân Pháp. Ông nội chị, cụ Dương Trọng Phổ, từ rất sớm đã vận động cho Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn. Phụ thân chị, ông Dương Tụ Quán là một nhà giáo sau chuyển sang làm báo, chủ trương tờ Văn Học tạp chí, rồi tạp chí Tri Tân. Bác ruột chị, ông cử Dương Bá Trạc vừa tham gia tích cực trong Đông Kinh Nghĩa Thục vừa viết báo viết văn. Sau khi đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp mời ông làm tri huyện nhưng ông từ chối và tiếp tục hoạt động chống Pháp, bị chúng đày ra đảo Côn Lôn trước cụ Dương Trọng Phổ ít ngày. Một người bác ruột nữa của Dương Thị Xuân Quý là nhà nghiên cứu nổi tiếng Dương Quảng Hàm. Hai người anh con bác ruột của chị là các họa sĩ Dương Bích Liên, Dương Cẩm Chương.
Có năng khiếu và say mê văn chương, cô bé Dương Thị Xuân Quý đã thích ghi nhật ký từ 7 tuổi, khi đang sống với gia đình tại Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc. Sau ngày giải phóng thủ đô, Dương Thị Xuân Quý về Hà Nội học trường phổ thông cấp 2 Trưng Vương, rồi ra Quảng Ninh học trường trung cấp mỏ, sau đó về học khóa báo chí do Ban Tuyên huấn trung ương mở. Tốt nghiệp khóa học, chị về làm phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Là một phóng viên năng nổ và xông xáo, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ở nhiều vùng nông thôn trên miền Bắc. Mang thai con đến tháng thứ sáu, chị vẫn về Quảng Nạp (Thái Bình), đi cấy đi gặt với bà con xã viên để vừa viết báo vừa viết văn. Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ngay tại các vùng trọng điểm tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh năm 1965. Cùng năm ấy, chị viết đơn tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 4 năm 1968, chị lên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam, khi con gái mới 16 tháng tuổi, và chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc thì đã có mặt ở chiến trường từ một năm trước đó. Đêm 8-3-1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành) huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một trận càn quét ác liệt của giặc Nam Triều Tiên khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn.
Ngã xuống giữa tuổi 28 phơi phới thanh xuân, Dương Thị Xuân Quý để lại cho đời tác phẩm “Hoa rừng” (gồm các truyện ngắn, bút ký viết trên miền Bắc và trong thời gian ngắn ngủi ở miền Nam) cùng tấm gương ngời sáng của một nhà văn - chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp độc lập cho dân tộc và tự do cho mỗi con người.
Thiết lập
Reflow text when sidebars are open.