Chúng tôi nhận được quyển sách “From third world to first – The Singapore Story: 1965–2000” từ Nhà xuất bản Trẻ với đề nghị là nhanh chóng dịch ra tiếng Việt. Chúng tôi không ngờ quyển sách quá hay và thiết thực. Vì vậy, chúng tôi tin rằng bạn sẽ không bao giờ hối tiếc sau khi đã bỏ tiền và thời gian để mua và đọc quyển sách này. Nếu bạn là người yêu nước đang giữ trọng trách trong bộ máy công quyền thì trong nhiều trường hợp, bạn sẽ học được cách phục vụ nhân dân như Lý Quang Diệu và ê–kíp của ông đã từng thực hiện thắng lợi ở đất nước Singapore nhỏ bé. Nếu bạn là người dân bình thường thì bạn sẽ hiểu vì sao phải ủng hộ chính quyền trong việc thiết lập trật tự, chỉnh trang quê hương xứ sở mà trong một số trường hợp có thể đụng chạm đến thói quen hoặc lợi ích của chính bạn, hoặc gia đình bạn. Hơn nữa, bạn sẽ biết được các sự kiện lịch sử đã diễn ra xung quanh ta như thế nào trong những năm qua. Không chỉ có thế, bạn còn biết được cách phân tích, đánh giá và đối nhân xử thế thành công của Lý Quang Diệu. Hiểu biết lịch sử, bạn sẽ tránh được nhiều sai lầm; đặc biệt là sai lầm về chính trị, tổ chức và quản lý xã hội. Vấn đề cũng không dừng ở đó. Từ trước đến nay, ông cha ta và cả chúng ta chỉ chăm chú học tập các nước lớn. Hết học Tàu, ta lại học Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật mà ít để ý rằng giàu không giống nghèo, người lớn không giống trẻ em nên nghèo thì không thể làm giống giàu; trẻ em thì không thể làm được như người lớn. Vì vậy, tìm kiếm và học tập những trường hợp tương tự, có hoàn cảnh tương tự mình là rất thiết thực đối với mỗi cá nhân, cộng đồng và cả trên bình diện quốc gia. Cách đây hơn 30 năm, Singapore có kinh tế và trật tự xã hội giống chúng ta ngày nay và có hoàn cảnh khó khăn hơn chúng ta. Với hơn 2 triệu dân, tồn tại trên hòn đảo bao gồm một thành phố và vùng ven với diện tích chỉ rộng 640 km2, không có thị trường nội địa, thậm chí nước ngọt cũng phải mua mới đủ dùng và phải đương đầu với các thế lực lớn cực đoan đầy tham vọng, nhưng Singapore đã tồn tại và phát triển đến mức làm cả thế giới ngạc nhiên. Ngày nay Singapore là nước duy nhất thuộc Thế giới thứ Ba nhưng có mức sống của các nước G7, và trong một số trường hợp vượt các nước G7. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Singapore là 22.000USD/người/năm, đứng thứ tư thế giới. Singapore sạch và xanh hơn Mỹ. Singapore là nước không có tham nhũng, không có xã hội đen; vì vậy không có chuyện chung chi loạn xạ như phần lớn các nước châu Á. Singapore là đất nước an ninh, là đất lành của hơn 3 triệu người dân và những ai đến Singapore để làm ăn, sinh sống. Nhiều điều thiết thực, nóng bỏng đã được lý giải và chứng minh trong quyển sách này. Nhân quyền và dân chủ sẽ tồn tại và phát triển trong điều kiện nào? Làm thế nào để thực hiện đoàn kết dân tộc trong một đất nước đa sắc tộc, sử dụng nhiều ngôn ngữ như Singapore? Làm thế nào giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông? Làm thế nào để có một thành phố sạch và xanh? Làm thế nào để không có tham nhũng và xã hội đen? Giải quyết các bất đồng với các thế lực lớn như thế nào để không sinh chuyện làm ảnh hưởng đến an lành và hạnh phúc của nhân dân? Làm thế nào để bồi dưỡng và thu hút nhân tài? Làm thế nào để xóa đi những tư tưởng cổ hủ, thích vợ và nàng dâu ít học hơn mình để dễ sai khiến, của những thanh niên và những bà mẹ chồng mang nặng lễ giáo phương Đông? Tại sao phải học phổ thông bằng tiếng mẹ đẻ nhưng phải học đại học bằng tiếng Anh? v.v… Tất cả đều được Lý Quang Diệu làm sáng tỏ bằng lý luận, tâm huyết và chứng minh bằng thực tiễn các sự kiện đã từng xảy ra với sự tồn tại của một Singapore gắn liền với các sự kiện đó. Có nhiều chỗ cần phải bàn luận sau khi đọc quyển sách này nhưng chúng tôi chỉ quan tâm bàn luận việc Lý Quang Diệu và Chính phủ Singapore giải quyết vấn đề giáo dục, y tế và giao thông đô thị – những vấn đề nóng bỏng nhất như của chúng ta hiện nay. Ví dụ một chi tiết nhỏ để hình dung hết sự trả giá của chúng ta đối với vấn đề giáo dục. Lý Quang Diệu cảm nhận được thiệt thòi của bản thân ông về việc không thông thạo tiếng mẹ đẻ, vì vậy ông bắt buộc các con của ông phải học phổ thông bằng tiếng Hoa là tiếng mẹ đẻ của chúng. Nhưng học đại học thì phải học bằng tiếng Anh, vì đó là ngôn ngữ để kiếm việc làm, để tiếp thu khoa học kỹ thuật của nhân loại và hội nhập với thế giới. Khi giải phóng miền Nam, chúng ta tiếp quản Đại học Phú Thọ, nay là Đại học Kỹ Thuật TP.HCM, với nguyên vẹn trong đó có một số môn học mà thầy giáo chỉ giảng bài bằng tiếng Anh. Chúng ta đã Việt hóa chương trình đại học và coi đó như một sự thể hiện của tinh thần độc lập, tự chủ. Khi gia nhập ASEAN và hội nhập với nền kinh tế thế giới, thì chúng ta mới cảm nhận hết khó khăn của việc thiếu người thông thạo tiếng Anh. Nhiều người học xong đại học lại phải mất thêm từ 3 đến 5 năm nữa cho việc học tiếng Anh thì mới hy vọng kiếm được việc làm. Thời gian học tập kéo dài một cách vô lý trong điều kiện kinh tế khó khăn mà vẫn không hiệu quả đã làm cho nhiều người không sao theo kịp sự tiến bộ như vũ bão của khoa học thời đại. Chúng ta rút ngắn khoảng cách tụt hậu bằng con đường nào nếu như không thông thạo tiếng Anh để tiếp cận khoa học kỹ thuật? Làm thế nào để Việt Nam có trường đại học dạy bằng tiếng Anh hay ít nhất cũng phải có một số môn dạy bằng tiếng Anh với học phí phải chăng hầu bảo đảm người thu nhập trung bình có thể theo học? Tìm đâu ra những thầy giáo có khả năng giảng bài bằng tiếng Anh ngay lúc này? Một vấn đề thiết thực đáng quan tâm nữa là Lý Quang Diệu đã chủ động tuyển chọn nhân tài rồi chuyển giao quyền lực và từ chức lúc đang còn đảm đương được nhiệm vụ, với mục đích không làm cây cao bóng cả, dọn đường cho thế hệ trẻ vươn ra ánh sáng mặt trời, chịu nắng chịu gió để thích nghi với sự tự tồn tại. Sự nghiệp của Lý Quang Diệu đã và đang tiếp tục mà không cần Lý Quang Diệu. Lý Quang Diệu đã và đang làm tất cả, trong đó có việc viết quyển sách này, để chuẩn bị cho việc Singapore không cần ông. Chúng tôi hy vọng nhiều vấn đề tương tự sẽ được đặt ra sau khi bạn đọc quyển sách này. Lý Quang Diệu là người đã từng tốt nghiệp Đại học ở Anh và thường công du nước ngoài, gặp gỡ tiếp xúc với nhiều chính khách và nhà khoa học nổi tiếng thế giới; đồng thời chịu khó tìm hiểu lịch sử, đời sống dân cư ở khắp mọi nơi. Mỗi khi thấy ở đâu có điều hay lẽ phải, Lý Quang Diệu liền tiếp thu mang về để tìm cách áp dụng tại Singapore. Và ông thường tự nhủ: “Họ làm được thì Singapore làm được”. Nên chăng, chúng ta thay tự nhủ của Lý Quang Diệu bằng tự nhủ của người Việt Nam: “Singapore làm được thì Việt Nam làm được”. So sánh, Singapore là hiện tượng thần kỳ của xây dựng kinh tế và ổn định trật tự xã hội thì ta cũng là hiện tượng thần kỳ của chiến tranh giải phóng. Do uất hận vì phải chịu 117 năm nô lệ máu chảy đầu rơi dưới gươm đao của thực dân đế quốc mà ta dồn sức để làm và làm được chuyện thần kỳ là “đánh thắng hai đế quốc to”. Chúng ta chưa bao giờ có điều kiện để được học quản lý và xây dựng xã hội. Hơn nữa, có lúc chúng ta mang nặng tâm lý định kiến với kẻ thù nên ít tìm hiểu và học tập xã hội tư bản. Và xa hơn nữa – như Lê–nin nói – là “thói kiêu ngạo cộng sản” đã kìm hãm sự phát triển của chúng ta. Bây giờ, do quá trình hội nhập, chúng ta đã và đang đổi mới, thấy cần phải suy nghĩ khác và làm khác. Hy vọng quyển sách này góp phần tìm hiểu thế giới để “trông người mà ngẫm đến ta”. Cũng cần nói thêm rằng, đây là quyển sách gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một số vấn đề quan hệ quốc tế được Lý Quang Diệu đề cập là dưới nhãn quan chính trị của Lý Quang Diệu và ê–kíp của ông; có những vấn đề khó kiểm chứng đúng hay sai, có hoặc không. Tuy nhiên, dù thế nào thì chúng ta cũng cần phải lắng nghe để biết họ nói và làm như thế nào; đặc biệt là cần lắng nghe họ nói về ta như thế nào. Với tinh thần ham học hỏi và cảnh giác cách mạng, chúng ta lắng nghe để có sự hiểu biết đầy đủ nhằm tự tin hướng đến tương lai. Với những gì đã giới thiệu trên, chúng tôi tự thấy có trách nhiệm chuyển đến cho bạn đọc một bản dịch trung thực, dễ hiểu. Nhưng vì ngữ nghĩa giữa tiếng Anh và tiếng Việt có khoảng cách nên nhiều chỗ không dễ Việt hóa tương đương. Hơn nữa, Lý Quang Diệu đề cập đến nhiều vấn đề sâu rộng với ngôn ngữ chặt chẽ, khúc chiết, đôi khi bóng bẩy và ẩn dụ, do vậy việc chuyển ngữ gặp rất nhiều khó khăn. Saigonbook đã tập trung tối đa nhân sự và làm việc cật lực trong nhiều tháng để hoàn chỉnh bản dịch này. Tuy nhiên, khả năng của chúng tôi có hạn nên khó tránh khỏi thiếu sót. Mong bạn đọc lượng thứ và góp ý cho chúng tôi theo địa chỉ: Nhà sách Quỳnh Mai: 484 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM. E–mail: saigonbook@hcm.fpt.vn. TRUNG TÂM BIÊN SOẠN VÀ DỊCH THUẬT SAIGONBOOK Giám đốc Luật sư LƯƠNG VĨNH KIM
Thiết lập
Reflow text when sidebars are open.